Mã thuật Mông Cổ Môn cưỡi ngựa

Người Mông Cổ từ xa xư vốn nổi tiếng về tài cưỡi ngựa-bắn cung, trong lịch sử, vó ngựa và cánh cung của họ từng là bá chủ thế giới, tài cưỡi ngựa điêu luyện của kỵ binh Mông Cổ từng là vô địch thiên hạ. Ngựa Mông Cổ gắn liền với sự kiện quan trọng trong lịch sử thế giới đó là sự hình thành và bành trướng của Đế chế Mông Cổ trên toàn thế giới thời đó và được biết đến là một trong những đế chế vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Thuật ngữ vó ngựa Mông Cổ gây khiếp đảm cho những giống dân bản xứ nhất là ở châu Âu với câu nói “Vó ngựa Mông Cổ đến đâu thì ở đó cỏ không mọc được”. Ngựa Mông Cổ được huấn luyện để dùng cho việc săn bắn, vận chuyển và đặc biệt là dùng trong chiến tranh.

Văn hóa ngựa

Trẻ em cưỡi ngựa ở Mông Cổ

Ở Mông Cổ, người ta vẫn còn duy trì nét văn hóa cưỡi ngựa, bắn cung và điều khiển đại bàng. Mông Cổ là đất nước mà ngựa là trung tâm trong cuộc sống hàng ngày. Trẻ em Mông Cổ học cưỡi ngựa ngay khi biết đi và cho đến nay, người Mông Cổ vẫn đứng đầu thế giới về khả năng cưỡi ngựa. Đua ngựa ở Mông Cổ hiện là nghệ thuật dân gian thu hút sự quan tâm không những của người nước này mà còn hàng nghìn khách du lịch quốc tế qua Lễ hội Naadam hàng năm. Người cầm cương là các cô bé, cậu bé 5-12 tuổi. Có 6 nội dung đua, tùy thuộc vào độ tuổi của ngựa, từ 1 (Daaga)-5 tuổi (Ih Nas). Mỗi lần đua có gần 500 con ngựa, thậm chí có lần 1.000 con cùng đua.

Các trẻ em sống trên vùng thảo nguyên vào khoảng 14-15 tuổi sẽ được những người đàn ông lớn tuổi hơn trong gia đình truyền lại cách điều khiển ngựa và tập cách bắn cung, những trẻ em Mông Cổ được cho cưỡi ngụa từ tấm bé. Trẻ con Mông Cổ học cưỡi ngựa từ năm 3 tuổi, gần như cùng thời điểm với lúc chúng tập đi chập chững những bước đầu tiên, trẻ em thường xuyên tham gia vào các cuộc đua ngựa. Khi lên ba, một đứa trẻ đã được mẹ dạy cưỡi ngựa bằng cách buộc nó lên lưng ngựa. Độ một năm sau, nó có được chiếc cung tên đầu tiên. Nó có thể đi liên tiếp mười ngày không một bữa ăn, chỉ sống bằng sữa khô hay sữa lên men cùng với thịt bò hay thịt cừu. Nếu cần nó có thể rạch một mạch máu ngay trên cổ con ngựa đang cưỡi để hút máu.

Kỹ thuật cưỡi

Một kỵ mã Mông Cổ đang cưỡi ngựa trên thảo nguyên bao laTrẻ em Mông Cổ cưỡi ngựa điêu luyện

Người Mông Cổ sở hữu phong cách cưỡi ngựa cũng không giống người phương Tây. Họ cầm cương chỉ bằng một tay và bàn đạp yên ngựa ngắn hơn, một số kỹ thuật, chiến thuật huấn luyện hay cưỡi ngựa cũng rất khác. Trong lịch sử, người Mông Cổ cưỡi ngựa thì họ phi ngựa như bay không cần cầm cương, hai tay đều rảnh để cầm vũ khí. Khi ngựa đang phi họ có thể nhảy xuống đất chạy theo, rồi nhảy trở lại lên lưng như trò xiếc, họ còn có thể cỡi suốt 15 giờ liền, mỗi ngày đi được khoảng 75 cây số.

Ngựa đua được huấn luyện với phương pháp đặc biệt, truyền từ đời này sang đời khác. Mỗi nhóm ở mỗi địa phương có bí quyết huấn luyện ngựa riêng. Khác với các nước phương Tây, người Mông Cổ cầm dây cương ngựa bằng một tay, và dùng những bàn đạp nhỏ hơn, họ có thể nhoài người, rạp người, khom người, rướn người, xoay người, ngã người khi đang cưỡi ngựa một cách điêu luyện và thuần thục. Bằng cách dành nhiều thời gian chăm chỉ luyện tập, người Mông Cổ có khả năng cưỡi ngựa điệu nghệ và chiến đấu ngay trên lưng ngựa.

Họ có thể giữ cân bằng rất tốt mà không cần phải dùng đến tay ngay cả khi con ngựa xoay chuyển hay người cưỡi dịch chuyển để tấn công kẻ địch. Chính vì vậy, những kỵ binh Mông Cổ có thể dùng tay để bắn tên theo bất kỳ hướng nào ngay trên lưng ngựa với độ chính xác rất cao. Họ có thể nhoài người bắn tên về phía trước, ôm ngựa để nhặt đồng xu, kỹ thuật điêu luyện, thuần thục. Bên cạnh đó thì kỹ năng bắn cung của những chiến binh ở đây cũng chính xác, họ hoàn toàn có thể nhắm trúng mục tiêu khi đang phi ngựa, nổi bật là tiết mục “Hồi mã cung” (xoay người bắn ngược) được xem là đặc sản của các chiến sĩ Mông Cổ.

Ngay cả khi xoay ngựa rời đi, kỵ binh Mông Cổ cũng có thể dễ dàng bắn tên về phía quân địch, cung thủ Mông Cổ có thể bắn được nhiều mục tiêu cùng một lúc ngay trên lưng ngựa ở khoảng cách xa, họ được rèn luyện để có thể bắn tên theo bất kỳ hướng nào, ngay cả sau lưng. Các nhà sử học tin rằng sức mạnh của đại quân Mông Cổ là bắt nguồn từ một phát minh, cải tiến kỹ thuật quân sự hết sức đơn giản, đó chính là chiếc bàn đạp yên ngựa, vật dụng nhỏ bé này lại mang lại lợi ích rất lớn cho bất kỳ chiến binh, kỵ binh nào sử dụng chúng giúp ổn định trọng tâm, có điểm tựa để giữ thăng bằng.

Một vị tướng của nhà Tống đã mô tả cách người Mông Cổ đứng trên bàn đạp yên ngựa, cụ thể là với phần lớn trọng lượng cơ thể được dồn vào bắp chân, trong khi chỉ dồn một phần nhỏ lực xuống bàn chân và mắt cá chân. Chiếc bàn đạp giúp những người lính Mông Cổ có thể ngồi thẳng, vững trọng tâm trên lưng ngựa ở cả trong các tình huống hỗn loạn nhất. Chúng được treo vào yên ngựa làm bằng gỗ, cao nổi lên ở phía trước và sau. Dù chỉ là những chiếc bàn đạp thô sơ nhất như cái có dạng vòng da thì cũng giúp ích nhiều cho các chiến binh có thể ngồi trên lưng ngựa vững chắc và chiến đấu trên quãng đường dài hơn.

Thông thường, mỗi người lính đều có từ 4-6 con ngựa. Đặc biệt, họ sẽ luân chuyển việc cưỡi từng con ngựa trong khi tham gia chiến đấu, để đảm bảo không có một con ngựa nào bị cạn kiệt sức lực. Điều này góp phần tăng khả năng linh hoạt cho quân đội Mông Cổ. Họ có thể đi được rất xa, khoảng gần 100 đến 160 km/ngày. Giống ngựa của người Mông Cổ tuy nhỏ nhưng nhanh nhẹn, chúng có thể sinh tồn được ngay ở ở trong những môi trường thưa thớt cỏ nhất. Ngựa Mông Cổ có độ bền tuyệt vời, rất dai sức và có thể chạy một quãng đường dài mà không bị đuối sức.

Chiến thuật chiến đấu của đội quân thiện chiến này bắt nguồn từ lối sống du mục của người Mông Cổ. Những binh lính Mông Cổ đã trải qua cuộc sống trên lưng ngựa, chăn thả gia súc và săn bắn để sinh tồn trên các thảo nguyên rộng lớn, những kỹ năng này dễ dàng được họ vận dụng sang các trận chiến, quân đội Mông Cổ được huấn luyện hàng ngày trong các cuộc đua ngựa, bắn cung, chiến đấu tay đôi trong các trận chiến và các cuộc tập trận từ quy mô nhỏ tới lớn. Do đó, những binh lính của Mông Cổ có thể dễ dàng bắn cung ngay trên lưng ngựa với khả năng chính xác rất cao.

Chiếc bàn đạp

Một kỵ mã điều khiển ngựa với chiếc bàn đạp kiểu Mông Cổ

Minh chứng là thành công trong quân sự của các chiến binh Cozak, người Goth và người Hung xưa kia có được là nhờ một phần không nhỏ của việc sử dụng các bàn đạp làm bằng da khi cưỡi ngựa. Một số người còn tin rằng chiếc bàn đạp yên ngựa thậm chí còn làm thay đổi cán cân quyền lực ở khu vực châu Âu, với sự thay đổi từ bộ binh sang kỵ binh. Tuy nhiên, bước đột phá của bàn đạp yên ngựa phải kể tới người Mông Cổ. Họ đã giúp vật dụng có phần bé nhỏ này phát triển lên một tầm cao mới với việc giúp khả năng cưỡi ngựa hữu ích.

Vó ngựa Mông Cổ uy mãnh cùng khả năng sử dụng cung tên tài tình đã giúp đội quân của Thành Cát Tư Hãn chinh phục tới một nửa thế giới, từ Trung Quốc tới Hungary, Ấn Độ tới nước Nga rộng lớn. Đây thực sự là một chiến tích phi thường mà hiếm có đế chế nào làm được trong lịch sử. Người Mông Cổ không chỉ sáng tạo ra những chiếc bàn đạp yên ngựa bằng da mà còn có cả những cái sử dụng vật liệu kim loại. Khả năng bắn tên chính xác của binh lính Mông Cổ cũng rất ấn tượng, họ có thể bắn chết kẻ địch đang cưỡi ngựa từ xa, những điều này có nguyên nhân một phần từ việc ổn định trọng tâm, thăng bằng trên lưng ngựa, bắt nguồn từ chiếc bàn đạp.

Chiếc bàn đạp yên ngựa giúp người Mông Cổ chiến đấu điệu nghệ và bắn tên chính xác ngay trên lưng ngựa, đây là một vật dụng tuyệt vời giúp người Mông Cổ có thể ngồi vững và linh hoạt trong chiến đấu. Bàn đạp rộng phải thoải mái nhưng cũng cần chắc chắn vì người Mông Cổ đã sử dụng vật liệu nhỏ này để cưỡi ngựa một cách hết sức điêu luyện, giúp ích rất nhiều trong quá trình chiến đấu và thực hiện các cuộc chinh phạt. Khả năng chiến đấu điệu nghệ trên lưng ngựa cùng chiến thuật độc đáo đã giúp đại quân của Thành Cát Tư Hãn trở thành nỗi ám ảnh trên các chiến trường Âu-Á.

Chiến thuật

Phục diễn tái hiện Kỵ binh Mông Cổ

Nếu như quân đội hay kỵ binh truyền thống được coi như "xe tăng", thì kỵ binh Mông Cổ được ví như những phi công chiến đấu. Sự chủ động và linh hoạt trong di chuyển giúp họ trở nên bất khả chiến bại. Khi mặt đối mặt với đối thủ, kỵ binh Mông Cổ phi ngựa chạy nhanh như gió tiến về phía trước và đồng thời bắn tên liên tục để tạo thế trận tấn công dữ dội và đáng sợ. Sau đó, khi chỉ còn cách đối thủ chừng vài mét, kỵ binh Mông Cổ bất ngờ quay lưng lại và nhanh chóng rút đi nhưng với khả năng xoay chuyển vô cùng linh hoạt trên yên ngựa, nên các kỵ binh Mông Cổ vẫn có thể bắn tên về phía kẻ địch ngay cả khi họ quay lưng rút lui.

Chiến thuật tấn công và liên tục rút lui kỳ lạ của người Mông Cổ khiến thế trận của đối phương trở nên hỗn loạn hơn. Việc tấn công hai bên sườn, đánh vu hồi, bao vây, chi cắt đội hình địch và bắn một loạt "cơn mưa tên" từ kỵ xạ Mông Cổ cũng khiến quân địch mất tinh thần, rối loạn. Tại thời điểm hầu hết quân đội giành chiến thắng chỉ bằng cách tiến lên phía trước thì người Mông Cổ có thể vừa tiến vừa rút lui trong trận chiến của mình. Khi giáp mặt đối thủ, kỵ binh Mông Cổ nhanh như gió tiến lên phía trước, bắn tên liên tục, dàn thế trận tấn công dữ dội. Khi cự ly với đối thủ chỉ còn khoảng vài mét, kỵ binh Mông Cổ quay lưng lại và rút nhanh.

Khi nhận thấy có nguy cơ thất bại, những binh sĩ Mông Cổ sẽ sử dụng chiến thuật tâm lý đặc biệt. Những kỵ binh khi đó sẽ quay lưng và giả vờ rút lui. Lúc bấy giờ, đối thủ thường mất cảnh giác sẽ đuổi theo và tin rằng thế trận đang nghiêng về phía họ nhưng khi họ thúc ngựa tiến đến gần, những kỵ binh Mông Cổ sẽ bất ngờ quay lại, chạy vòng vòng cơ động và tiếp đến đội quân xạ thủ sẽ xông lên bắn "cơn mưa" mũi tên vào kẻ địch, và những kỵ binh mặc áo giáp nặng hơn sẽ tấn công bằng những vũ khí sắc nhọn như giáo, thương. Khi đó, trận chiến như đã được an bài với phần thắng nghiêng về đại quân Mông Cổ.

Cung thủ Mông Cổ là bậc thầy chiến đấu với kỹ thuật bắn tên thiện xạ. Cung thủ là một phần quan trọng trong đội quân của Thành Cát Tư Hãn. Người Mông Cổ có thể săn bắn ngay sau khi họ có thể cầm được cây cung. Cũng giống như cưỡi ngựa, những binh lính Mông Cổ thường xuyên rèn luyện khả năng bắn cung, với bia bắn cách xa tới 200m. Khả năng sử dụng cung tên bậc thầy, giúp đại quân Mông Cổ đánh bại được nhiều đội quân hùng mạnh trên thế giới. Nhờ được đào tạo và rèn luyện thường xuyên, giúp người Mông Cổ trở thành những cung thủ thiện xạ với khả năng chiến đấu "đáng sợ". Cung thủ Mông Cổ có thể bắn được nhiều mục tiêu cùng lúc. Bên cạnh đó, đội quân Mông Cổ cũng sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau như kiếm lưỡi cong, chùy, búa và dao găm giúp họ dễ dàng xử lý khi chiến đấu trên ngựa và trên bộ.